Khâu Nghị – một cựu chính khách quốc dân đảng Đài Loan kêu gọi Trung Quốc và Đài Loan “bắt tay nhau” chiếm giữ đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khai thác tài nguyên năng lượng ở khu vực này.
Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khâu Nghị đến từ tập đoàn dầu khí Đài Loan CPC và cũng là một chính khách quốc dân đảng Đài Loan nói: “Đáy biển quanh Ba Bình Đảo có trữ lượng dầu và khí tự nhiên dồi dào. Sẽ rất có lợi nếu một dự án cùng khai thác giữa hai bờ eo biển được tiến hành” (Trung Quốc gọi Ba Bình là Thái Bình đảo).
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google maps
Khâu Nghị đưa ra kêu gọi trên bên lề hội nghị “tương tác kinh tế xuyên eo biển và những cơ hội mới” do ĐH Giao thông ở Thượng Hải tổ chức.
Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký bốn thoả thuận hợp tác với tập đoàn CPC hồi tháng 12/2008. Tuy nhiên, theo ông Khâu, các thoả thuận này có ít tiến triển kể từ đó tới này.
Gọi Việt Nam là “mối đe dọa lớn nhất” với khu vực giàu năng lượng, Khâu kêu gọi hợp tác thăm dò các mỏ dầu khí và nhấn mạnh, lực lượng quân sự ở hai bờ eo biển nên bắt tay để bảo vệ Ba Bình. Bình luận của Chiu được đăng tải đầu tiên trên báo China Want Daily.
Mặc dù quan điểm chính thức của Đài Bắc là sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng bình luận của Khâu đã thu hút sự chú ý của các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.
Đầu tháng này, một hội nghị đã diễn ra ở Hải Nam, Trung Quốc với nhiều đề xuất về khả năng các dự án hợp tác chung xuyên eo biển Đài Loan, bao gồm việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông.
Đài Loan tham gia vào tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Trường Sa, hiện chiếm giữ Ba Bình, một trong những đảo quan trọng của quần đảo. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các bên đòi chủ quyền khác, Đài Loan đã cho xây đường băng trên đảo, và đang có ý định kéo dài đường băng 1.150 mét này thêm khoảng 300-500m. Báo chí địa phương cũng đưa tin, Đài Loan có kế hoạch đưa thêm pháo cao xạ và súng cối tới đảo này vào tháng tới.
Trước những động thái của Đài Loan tại đảo Ba Bình, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi giữa tháng 7 khẳng định “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
“Mọi hoạt động của các bên tại khu vực quần đảo Trường Sa mà không có sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây căng thẳng tình hình Biển Đông”, vị đại diện nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu phía Đài Loan “chấm dứt các hoạt động và kế hoạch tương tự”.
Ngày 11/7, trong một bài viết đăng trên mạng Phượng Hoàng (Hong Kong), ủy viên Trung ương Quốc dân Đài Loan Khâu Nghị nói “vùng biển xung quanh đảo Thái Bình thuộc chủ quyền Đài Loan”. Đại diện của Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng “bác bỏ phát biểu sai trái này”.