Nhưng ông Obama, người từng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến Iraq khi tranh cử tổng thống, cũng cảnh báo rằng lịch sử chưa phát xét đầy đủ về quyết định của người tiền nhiệm George W. Bush nhằm phát động cuộc chiến tại Iraq 9 năm trước.
Khi chỉ còn khoảng 6.000 binh sĩ Mỹ tại Iraq – so với thời cao điểm là 170.000 binh sĩ – và số còn lại này sẽ về nước trong vài ngày nữa, ông Obama đã có mặt tại Nhà Trắng bên cạnh Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, trong một buổi lễ chuyển giao quyền lực.
“Các binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời Iraq với sự tôn trọng và có thể ngẩng cao đầu”, ông Obama nói. “Chúng tôi có mặt ở đây để đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến này và chuyển sang một trang mới trong lịch sử giữa 2 nước”.
Thời hạn chót để các lực lượng Mỹ rút quân là ngày 31/12, nhưng những binh sĩ cuối cùng dự kiến sẽ trở về nhà kịp dịp Giáng sinh khi ông Obama muốn giữ lời hứa “rút quân hoàn toàn” và để nhắc nhở những người Mỹ sẽ bỏ phiếu trong cuộc tái tranh cử của ông sau 11 tháng nữa rằng ông đã kết thúc cuộc chiến không được lòng dân.
Tổng thống Obama nói Mỹ và Iraq sẽ “quan hệ bình thường giữa các quốc gia có chủ quyền” sau khi binh sĩ Mỹ rút hết vào cuối năm nay.
Trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tương lai của Iraq. Ông Obama đã cam kết đảm bảo an ninh và hỗ trợ Iraq phát triển kinh tế sau cuộc chiến.
Tổng thống Mỹ cũng đưa ra một cảnh báo đối với Iran và các quốc gia láng giềng của Irna không can thiệp vào nước này, tuyên bố rằng Mỹ sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong khu vực.
Hai nhà lãnh đạo sau đó đã tới đặt vòng hoa tại nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi nhiều trong số gần 4.500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại Iraq được chôn cất tại đây.