Thời gian gần đây, người tiêu dùng thực sự hoang mang với sản phẩm gas, đặc biệt là TTA Gas (loại bọc nhựa), bởi cơ quan chức năng phát hiện nhãn hiệu này đã hoán cải vỏ bình của các doanh nghiệp khác.
Sự việc bị phanh phui khi Hiệp hội Gas Việt Nam “nội soi” bên trong 20 bình gas TTA Gas được lấy ngẫu nhiên tại thị trường TP HCM và phát hiện dấu dập nổi mang nhãn hiệu Vgas, Mỹ Trà gas, Unique gas, Gia Đình gas.
Sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Long An kiểm tra và phát hiện 4.524 vỏ bình gas loại của các công ty Petrolimex, H-gas, Vinagas, Shell, Petronas, Sài Gòn gas, Gia Đình gas trong kho chứa của Công ty Thành Tài Long An.
Khi kiểm tra, cơ quan quản lý thị trường phát hiện công ty này đang sản xuất vỏ bình gas mang nhãn hiệu TTA Gas nhưng trong kho lại chứa 4.524 vỏ bình gas của các công ty gas khác và không xuất trình được hợp đồng cung cấp vỏ bình gas.
Công ty Thành Tài Long An khai số bình gas trên của các công ty kinh doanh gas khác gửi cho Thành Tài TP HCM, sau đó Thành Tài TP HCM gửi tại kho của Thành Tài Long An. Trên thực tế, Công ty Thành Tài TP HCM và Công ty Thành Tài Long An cùng một ông chủ.
Không chỉ dừng lại ở khâu hoán cải vỏ bình gas theo quy mô công nghiệp, các cơ quan chức năng còn nhận thấy trên thị trường nhiều loại vỏ bình gas của Công ty Thành Tài Long An sản xuất với nhãn hiệu TTA Gas bị cắt, thay quai xách, chân đế, đóng dấu mới sản xuất; bình gas thép bọc nhựa hiệu TTA Gas, nhưng ruột là bình gas chiếm dụng của công ty khác.
Thị trường gas lại hỗn loạn. |
Mới đây, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Thành Tài Long An 40 triệu đồng và tịch thu toàn bộ 4.524 vỏ bình gas. Ngày 27/2, Hiệp hội Gas Việt Nam đã quyết định khai trừ tư cách hội viên đối với Công ty Thành Tài TP HCM.
Mới đây, cơ quan chức năng Đồng Nai cũng phát hiện 11.000 vỏ bình gas và gas thành phẩm mang thương hiệu của 17 doanh nghiệp cùng với một lượng lớn tem, nhãn mác, niêm màng co, tem chống giả tại hai trạm chiết nạp gas trên địa bàn tỉnh. Theo Chi hội Gas miền Nam, trong số 11.000 vỏ bình nói trên, 6.000 – 7.000 vỏ đã bị hoán cải.
Thực tế trên cho thấy, chất lượng vỏ bình gas trên thị trường đang trong tình trạng báo động, bởi chỉ cơ quan chức năng mới có thể phát hiện vỏ bình có đạt chất lượng hay không, đặc biệt là loại bình thép bọc nhựa. Theo Chi hội Gas miền Nam, việc chiếm dụng vỏ bình gas của doanh nghiệp khác hiện diễn ra khá phổ biến với khoảng 30 – 35%. Tuy nhiên, vấn đề xử phạt lại quá nhẹ, không đủ răn đe.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh gas, thị trường gas hiện có Nghị định 107 quy định về vấn đề kinh doanh, còn Nghị định 105 quy định về việc xử phạt, đồng thời có Luật Thương mại để quản lý các đơn vị kinh doanh. Trong đó, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự nếu giá trị vi phạm trên 100 triệu đồng (tương đương 200 vỏ bình). Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều đối tượng chỉ bị xử lý hành chính.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, cơ quan quản lý nên xóa bỏ các trạm chiết nạp gas độc lập bởi “Vấn đề này là gốc rễ của nạn hoán cải vỏ bình và gian lận gas". Nhiều doanh nghiệp gas cũng cho rằng, thị trường gas nên đưa vào quy trình khép kín từ chiết, nạp cho đến phân phối thì nạn gian lận, hoán cải vỏ bình mới có thể hạn chế.