Lo ngại tình huống xấu có thể xảy đến sau cuộc bầu cử ngày 17/6, người Hy Lạp đổ đi rút tiền ngân hàng và mua đồ ăn dự trữ. Nguy cơ Athens buộc phải rời khỏi Eurozone gần như là chắc chắn nếu cánh tả thắng trong cuộc bầu cử lịch sử này.
Theo tin từ Reuters, nguồn tin từ các ngân hàng Hy Lạp cho biết, đang có khoảng 800 triệu Euro, tương đương 1 tỷ USD, bị rút khỏi các nhà băng nước này mỗi ngày. Trong khi đó, theo tin từ các hãng bán lẻ, người dân đang dùng tiền rút từ ngân hàng để mua mì ống và thức ăn đóng hộp để để phòng sự gián đoạn nguồn cung. Người dân Hy Lạp hiện đang rất lo ngại trước những đồn đoán cho rằng nước này sẽ mất địa vị thành viên khối đồng tiền chung và phải quay trở lại sử dụng đồng Drachma.
Các nhà quan sát cho rằng, trong trường hợp một nhà lãnh đạo cánh tả cấp tiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật tuần này, thì Hy Lạp dường như cầm chắc khả năng phải rời Eurozone. Bởi lẽ, cánh tả là phe phản đối chính sách thắt chặt chi tiêu công – điều kiện mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) buộc Athens phải thực hiện mới được giải ngân khoản vốn cứu trợ trị giá 130 tỷ Euro, tương đương 160 tỷ USD.
Hôm qua (13/6), Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cảnh báo, một số nước châu Âu sẽ muốn Hy Lạp buộc phải rời Eurozone nếu Athens không tuân thủ các cam kết thắt lưng buộc bụng đối với chủ nợ quốc tế.
Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, đảng bảo thủ Dân chủ mới của Hy Lạp – đảng ủng hộ chủ trương thắt chặt chi tiêu – đang có tỷ lệ ủng hộ sát nút với tỷ lệ ủng hộ mà các cử tri dành cho đảng cánh tả Syriza – đảng muốn hủy kế hoạch viện trợ quốc tế dành cho nước này. Do ngày bầu cử đang đến gần, việc công bố kết quả các cuộc thăm dò ý kiến đã bị cấm. Tuy nhiên, cách đây 2 ngày xuất hiện tin đồn cho rằng, đảng Syriza đang nhận được tỷ lệ ủng hộ áp đảo.
Trong chiến dịch vận động tranh cả, đảng Dân chủ mới đã đề nghị cử tri Hy Lạp lựa chọn giữa đồng Euro hay đồng Drachma. Trong khi đó, đảng Syriza lại hứa sẽ chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng như cắt giảm tiền lương và lương hưu – những biện pháp đã đẩy nhiều người Hy Lạp rơi vào cảnh nghèo khổ.
Nỗi lo Hy Lạp sẽ sụp đổ về tài chính và phải rời khỏi Eurozone đã dần dần “bòn rút” sức lực của các ngân hàng nước này suốt 2 năm qua. Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, lượng tiền gửi tại các nhà băng nước này đã giảm khoảng 17%, tương đương 35,4 tỷ Euro (44,4 tỷ USD) riêng trong năm 2011. Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, có 165,9 tỷ Euro, tương đương 208,1 tỷ USD được gửi tại các ngân hàng của nước này.
Giới chức ngân hàng Hy Lạp cho biết, tốc độ rút tiền gửi của người dân nước này khỏi các nhà băng đang gia tăng trước thềm cuộc bầu cử 17/6. Trong mấy ngày qua, mỗi ngày người dân rút từ 500-800 triệu Euro, tương đương 625 triệu-1 tỷ USD khỏi ngân hàng lớn, chưa kể 10-30 triệu Euro (12-36 triệu USD) từ các ngân hàng nhỏ.
Song song với tình trạng rút tiền gửi khỏi ngân hàng, các nhà bán lẻ Hy Lạp chứng kiến sự gia tăng vượt bậc của doanh số các mặt hàng thực phẩm có thể dự trữ như mì ống, đồ hộp. Trong khi đó, doanh số các mặt hàng khác lại giảm mạnh vì người Hy Lạp hiện rất kẹt tiền trong bối cảnh nền kinh tế đã suy thoái 5 năm liên tục.
“Người dân đang rất sợ viễn cảnh phải quay trở lại với đồng Drachma. Một số người tin rằng, họ cần phải chất đầy thực phẩm trong tủ”, ông Vassilis Korkidis, người đứng đầu liên đoàn bán lẻ Hy Lạp cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo: “Theo tôi, người dân không nên sợ hãi. Tích trữ đồ ăn không có nghĩa là chúng ta sẽ thoát được khủng hoảng”.
Thế hệ người Hy Lạp từng trải qua cuộc sống khốn khó thời phát xít Đức chiếm đóng vẫn thường “vơ vét” hàng trong siêu thị mỗi khi xuất hiện nguy cơ khủng hoảng. Họ sợ họ sẽ lại bị rơi vào cảnh đói rét lần nữa. Con cháu của những người này học thói quen từ ông bà cha mẹ và cũng đang tích trữ đồ ăn.
“Nỗi lo sợ đang thúc giục mọi người phải chuẩn bị. Nếu anh có con, anh nên làm một việc gì đó”, cô Anastassia Tzorbatzid, một bà mẹ ba con, phát biểu trước tủ đồ ăn đầy chặt.