Bàn tay người mắc "bệnh lạ". (Nguồn: Dân trí)
Một số bệnh nhân có tổn thương viêm kẽ mép, ban đỏ ở 2 má. Xét nghiệm ở 1 số bệnh nhân cho thấy đường máu, canxi máu và albumin máu thấp, riêng đường men gan lại tăng cao gấp 5-10 lần bình thường.
Qua điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, Bệnh viện da liễu Trung ương và Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, hầu hết các trường hợp bệnh nhân được điều trị khỏi bằng chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, dinh dưỡng, một số trượng hợp được truyền huyết thanh ngọt, truyền đạm kết hợp với các vitamin nhóm B.
Để có cơ sở chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân đầy đủ của bệnh, Đoàn công tác Bộ Y tế đã tiến hành lấy mẫu làm xét nghiệm, sinh thiết da tổn thương của bệnh nhân và tiến hành Chẩn đoán với các giáo sư đầu ngành.
Dựa vào biểu hiện lâm sàng, tiến triển trong quá trình điều trị và kết quả khảo sát về môi trường sống, điều kiện sinh hoạt, cũng như chế độ dinh dưỡng và kết quả xét nghiệm, theo kết quả hội chẩn của các chuyên gia trong và ngoài nước, chuyên ngành da liễu chẩn đoán đây là bệnh viêm da bàn tay, bàn chân do tiếp xúc .
Như vậy, nhận định này khá phù hợp với tình hình diễn biến của bệnh xảy ra ở một số xã của huyện miền núi Ba Tơ diễn ra từ ngày 17/4 đến ngày 6/10/2011. Trong số 61 trường hợp mắc bệnh, chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 16-49, có 1 trường hợp tử vong.
Với hội chẩn và nhận định kết quả bước đầu của bệnh là viêm da bàn tay bàn bàn chân do tiếp xúc, nhưng theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện da liễu Trung ương, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế trong đợt khảo sát thực địa vào đầu tháng 10 vừa qua tại huyện Ba Tơ, thì nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng, chính xác.
Vào đầu tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Y tế do lãnh đạo Bệnh viện da liễu Trung ương dẫn đầu phối hợp với Viện y học lao động đã khảo sát tình hình bệnh “lạ” tại xã Ba Điền, nơi có số người dân bị mắc bệnh ngoài da nhiều nhất (57/61 bệnh nhân của huyện Ba Tơ).
Đoàn công tác đã tìm hiểu phương cách sinh hoạt, sản xuất và tình hình vệ sinh môi trường tại các vùng có người bệnh. Hiện trạng vệ sinh môi trường tại khu vực có người bị bệnh rất kém, không gia đình nào có nhà vệ sinh, mỗi gia đình thường có chuồng trâu bên cạnh, phân vương vãi bừa bãi và nhiều côn trùng, gây ô nhiễm và dễ lan truyền bệnh tật.
Tại các gia đình, điều kiện ăn ở còn rất khó khăn, chế độ ăn uống quá thiếu thốn, chủ yếu dựa vào lương thực tự cung tự cấp quanh con suối, cái rẫy. Đoàn công tác đã khảo sát về tình trạng gạo ăn của bà con, cho thấy 3 gia đình có nhiều người mắc bệnh (5-6 người) đều sử dụng loại gạo ẩm mốc, chất lượng kém, có màu đen và hôi.
Công việc của bà con lại nặng nhọc, vào thời vụ hầu hết những người trong lứa tuổi lao động thường phải ra đồng hoặc lên rẫy cách nơi ở khoảng 3 giờ đi bộ, với cường độ lao động vất vả và chế độ dinh dưỡng thiếu thốn. Có gia đình còn đem theo con nhỏ cùng lên rẫy và sinh hoạt tại đó, việc uống nước, rửa ráy đều ở trên rẫy.
Đoàn công tác do Giám đốc Bệnh viện da liễu Trung ương Trần Hậu Khang dẫn đầu đã đặc biệt chú ý đến tình trạng sử dụng hóa chất của bà con. Thông thường, khi thời vụ đến, bà con mua loại hóa chất tại các cửa hàng tư nhân ở thị trấn Ba Tơ về chăm sóc cây keo (loại cây trồng tạo nguồn thu nhập chính của bà con ở đây), còn phân bón do tư thương đặt mua keo thành phẩm cung cấp.
Hiện những hóa chất này bà con đã sử dụng hết và không biết nhãn mác hóa chất đã sử dụng là loại nào. Do đó, Đoàn công tác đã đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ căn nguyên của căn bệnh này tại Ba Tơ (Quảng Ngãi) trong thời gian tới.