Dự kiến riêng trong năm 2011, các khu kinh tế này đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu gần 800 triệu USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 20 nghìn tỷ đồng.
28 khu kinh tế cửa khẩu, theo báo cáo của Chính phủ có tổng diện tích hơn 600 nghìn ha, thu hút được khoảng gần 70 dự án FDI với số vốn hơn 700 triệu USD và khoảng 500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 40 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 đạt khoảng 4.800 tỷ đồng.
UB Thường vụ thể hiện nhiều băn khoăn, quan ngại trước tình trạng phát triển tràn lan, quản lý chồng chéo, hiệu quả hạn chế… những nhược điểm của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu tại báo cáo của đoàn giám sát về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu dường như nổi bật hơn ưu điểm.
Nhận xét chủ trương xây dựng các khu kinh tế là đúng, song đoàn giám sát của UB Thường vụ cho rằng, việc thành lập nhanh các khu kinh tế đã kéo theo nhu cầu vốn đầu tư đang vượt quá khả năng cân đối của ngân sách quốc gia. Nên, nhiều khu đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu vận hành và thu hút đầu tư.
Chỉ ra 7 nhược điểm trong phát triển các khu kinh tế, đoàn giám sát kiến nghị tạm dừng việc ra quyết định thành lập mới. Đồng thời xem xét, lựa chọn từ 3 – 5 khu kinh tế ven biển báo cáo Quốc hội để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển.
Đối với các khu kinh tế cửa khẩu, lựa chọn để tập trung đầu tư các khu có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng xã hội làm đối trọng với các đô thị của quốc gia láng giềng. Những khu kinh tế còn lại, hiệu quả hoạt động không cao cần chuyển thành các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại cửa khẩu.
Đoàn giám sát cũng đề nghị UB Thường vụ ban hành nghị quyết về kết quả giám sát, nêu rõ các yêu cầu nói trên.