Quả bom cuối cùng trong số các quả bom nguyên tử mạnh nhất nước Mỹ – vốn mạnh gấp trăm lần quả bom từng được thả xuống thành phố Hiroshima – sẽ bị phá huỷ hôm nay, gần nửa thế kỷ sau khi được sản xuất trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
Quả bom nguyên tử B53.
Theo Cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân của Bộ Năng lượng Mỹ, việc hoàn thành chương trình phá huỷ quả bom diễn ra sớm hơn 1 năm so với kế hoạch và phù hợp với mục tiêu của Tổng thống Barack Obama nhằm giảm số lượng vũ khí nguyên tử.
Ông Thomas D'Agostino, giám đốc Cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân, gọi việc phá huỷ quả bom là “một dấu mốc quan trọng”.
Được trang bị cho quân đội Mỹ năm 1962 khi căng thẳng Chiến tranh Lạnh lên đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, quả bom B53 nặng khoảng 4,5 tấn và có kích cỡ bằng một chiếc xe tải nhỏ. Theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, quả bom B53 nặng gấp 600 lần so với quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào cuối Thế chiến II.
B53 được thiết kế để phá huỷ các cơ sở sâu dưới lòng đất và được vận chuyển bằng các máy bay ném bom B-52.
Vì B53 được chế tạo bằng công nghệ cũ và các kỹ sư chế tạo nó đã nghỉ hưu hoặc qua dời nên việc phát triển một tiến trình phá huỷ cũng cần thời gian. Các kỹ sư đã phải phát triển các công cụ phức tạp và các biện pháp mới để đảm bảo việc phá huỷ diễn ra an toàn.
Theo ông Cunningham, B53 được xem là bị phá huỷ khi khoảng 140kg thuốc nổ bên trong nó được tách ra khỏi nguyên liệu nguyên tử đặc biệt. Uranium từ các quả bom bị phá huỷ tại Pantex sẽ được cất giữ trong kho tạm thời của nhà máy.
Nguyên liệu và các thành phần của B53 sau đó sẽ được xử lý theo một quy trình, trong đó có việc làm vệ sinh, tái chế và vứt bỏ, Cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân cho hay.
Nhà máy Pantex tại bang Texas đóng một vai trò quan trọng trong các dự án phá huỷ tương tự, khi các vũ khí cũ trong kho hạt nhân của Mỹ về hưu.