>> Loay hoay ứng phó giữa vòng xoáy giá gas
>> Giá gas tiếp tục tăng sốc
Trao đổi trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trong thời gian tới, sẽ điều hành giá xăng dầu trên tinh thần Nghị định 84.
Theo đó, nếu sau khi sử dụng công cụ thuế và quỹ bình ổn mà giá cơ sở xăng dầu vẫn cao hơn giá bán hiện hành thì sẽ điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước ở mức hợp lý.
Mục tiêu điều chỉnh đảm bảo quyền lợi giữa 3 bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và nằm trong sức chịu dựng của người tiêu dùng cũng như đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 10%.
Trong tháng 2 đầu năm, giá xăng dầu nhập khẩu đã tăng lên cao nhất trong 9 tháng, với mức tăng tùy theo từng mặt hàng là từ 2 đến 7%.
Hiện tại, giá cơ sở, nếu chưa tính việc sử dụng quỹ bình ổn, đang cao hơn giá bán hiện hành trên dưới 2.000 đồng/lít (/kg), tùy theo từng mặt hàng. Và so với các nước trong khu vực cũng như các nước có chung đường biên giới, thì giá bán xăng dầu trong nước của Việt Nam vẫn còn thấp hơn từ 4.000-8.000 đồng/lít (/kg).
Trong bối cảnh đó, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn liên tục kêu lỗ. Mức lỗ được cho biết nằm trong khoảng từ 370-840 đồng/lít (/kg) tùy từng mặt hàng.
Theo như một số tính toán, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho một số mặt hàng từ 4-5% xuống còn 0-3% từ ngày 21/2 vừa qua đã phần nào giúp duy trì giá bán lẻ trong một thời gian, song kể từ cuối tháng 11 năm ngoái, giá dầu trong nước đã tăng khoảng 8%.
Còn về giá gas, nói với Dân trí, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ đảm bảo giá mặt hàng này tăng không quá bất hợp lý. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng, mặc dù gas là mặt hàng đăng ký giá song việc điều hành giá vẫn phải theo cơ chế thị trường, và không thể tranh khỏi sự phụ thuộc vào giá thế giới.
Hai tháng đầu năm, giá gas bán lẻ trong nước đã trải qua 4 lần tăng giá mạnh và chỉ 1 lần giảm giá chính thức. Tổng số tiền tăng so với cuối năm ngoái là 110.000 đồng/bình gas 12kg.