Đến Barcelona vì Maria
Đó là một buổi chiều đạp xe đi uống café trong mưa gió biển Bắc nghiêng ngả, da thịt đỏ hỏn và đơ lạnh. Vậy mà trên chặng “đường xa ướt mưa”, tôi đã đạp về nhà với một niềm hạnh phúc to lớn vì tình bạn quý hóa. Người Địa Trung Hải có một điều tôi rất thích đó là những nụ hôn nồng ấm của họ. Vào buổi chiều cuối cùng trước khi Maria lên đường về nước, tôi đã biết từ nay đi Tây Ban Nha sẽ có một cô gái bản địa tiến thẳng tới trước mặt, ôm chầm và hôn vào má tôi những cái thật kêu.
Hôm đến Barcelona đúng là có ôm chầm thật, nhưng là ôm nhau cho đỡ lạnh. Tuyết ở Barcelona là chuyện xưa nay hiếm, nhưng chỉ một trận tuyết trước đêm tôi đến cũng đủ sức khiến những mái nhà thành phố nhìn từ đỉnh Montjuїc phủ môt màu trắng xóa.
Vậy mà chỉ chừng hai tiếng sau, khi cả gia đình tôi đang tranh cãi nhau sẽ phải dùng lời chào tạm biệt “Adios” hay “¡ Hasta luego” với anh chàng ở quầy thông tin du lịch, có một vệt nắng chạy ngang thành phố, tạo thành một đường sáng lớn. May phước, đi Barcelona mà không có nắng thì buồn biết mấy!
Không ngủ trưa ở Barcelona
Maria phải chờ tôi ngoài trời lạnh vì bọn tôi tốn cả giờ đồng hồ mới tìm được đường đến căn hộ, sau rất nhiều tranh cãi không ai chịu ai của những người đồng hành người Pháp. Có người thậm chí còn khăng khăng mình đúng và cho rằng cái bản đồ mới là “đứa” có vấn đề.
Mất chừng 15 phút cho ông chủ nhà người Nga chỉ dẫn bọn tôi cách sử dụng căn hộ phong cách Ikea kiểu mẫu. Đó là một căn hộ không nằm quá xa Torre Agbar, biểu tượng mới của thành phố ở thế kỉ XXI. Bóng dáng của tòa nhà trong suốt này có thể đập vào mắt bạn khi chạy xe trên rất nhiều đại lộ và nó cũng chính là thành tựu của việc pha lẫn nhiều thời kỳ kiến trúc tại thành phố luôn đi tiên phong này.
Không cần hỏi bọn tôi ăn sáng lúc mấy giờ, Maria nhanh nhẹn quyết luôn rằng sẽ đi dạo một vòng đã rồi mới tính chuyện ăn trưa nhé! Trưa và tối là khoảng thời gian nhiều người tính chuyện dạo bộ. Nói thật là phải đến thủ phủ vùng tự trị Cata-lunya, tôi mới được biết đến ý nghĩa thực sự của niềm vui đi bộ. Dân Tây Ban Nha có thể chen lấn nhau làn đường khi lái xe và phăm phăm qua đường khi đèn hiệu giao thông vẫn chưa kịp xanh, nhưng đã đặt chân lên con đường đi bộ (La Rambla) thì phải diễn tác phong đi từ tốn. Mặc cho bức tượng ông Christophe Colomb chỉ về hướng Địa Trung Hải ở phái biển, cả đám bọn tôi cứ bị đám khách du lịch chực đẩy ngược lên phía trước.
Lần lượt lắc đầu hết tất thảy những lời mời của đám “cò con” trước mỗi hàng Tapas đặc sản. Maria quyết phải dẫn bọn tôi đến quán ruột trong một con hẻm nơi cuối đường đi bộ. Không khó để nhận ra đâu là bàn của người bản địa nhờ vào âm lượng của cuộc nói chuyện. Giá mà tôi rành tiếng Tây Ban Nha hơn để tọc mạch vào những câu chuyện cứ chực xông vào tai. Nhưng không sao, ít nhất là tôi cũng hiểu ông chạy bàn vừa so vai, thụt cổ nghĩa là Maria quá kém vì đã chọn uống nước suối thay vì bia và rượu vang trắng như đám khách Pháp này. Một bữa ăn Tây Ban Nha cũng được dọn ra trình tự như ăn kiểu người Pháp: Khai vị – món chính – tráng miệng và café.
Buổi ăn trưa kết thúc lúc 4 giờ kém. Hỏi ra mới biết Maria ăn sáng lúc 10 giờ nên mới đi hăng thế. Tôi chỉ thắc mắc nếu bữa nào cũng ăn trưa muộn thì họ đào đâu ra thời gian để tính chuyện làm giấc “siesta”?
Những giấc mơ chưa hết
El Poble Espanyol (tiếng Catalan có nghĩa là ngôi làng Tây Ban Nha) là một trong những nơi tôi muốn được quay lại sau này. Được xây dựng vào dịp Hội chợ thế giới năm 1929, đây là nơi phô bày vẻ đẹp kiến trúc được góp nhặt từ nhiều vùng miền khác nhau và cũng là nơi đã từng đón những bước nhảy Flamenco của huyền thoại Carmen Amaya.
Tại nhà hàng El Tablao de Carman ẩn sâu trong một con hẻm của ngôi làng, tôi đã có dịp chứng kiến những bước nhảy Flamenco đầu tiên trong đời. Không gian hẹp nơi góc nhà và khoảng cách đủ gần (tôi thậm chí còn bắt được cái nháy mắt của chàng ca sĩ cho mình – mà tôi cá là anh ta làm như vậy với tất cả những cô gái trong phòng) khiến mọi thứ như một bữa tiệc thân mật cấp gia đình. Quá khó để hiểu hết điệu nhảy được xem là tổng hòa của nhiều nền văn hóa: Hy Lạp, Ấn Độ, Roman, Do Thái, Hồi giáo… Nhưng có một điều tôi tin chắc là những người khác du lịch quốc tế tối hôm đó đã muốn đêm diễn kéo dài thêm một chút nữa bằng những tràng pháo tay dài, để giấc mơ Barcelona còn lâu mới hết.
Khi trở về Pháp. Tôi đã viết những dòng này: “Barcelona của những chiếc xe chạy không biết tới làn đường, của những nhà hàng mà tiếng chuyện trò ồn như một trận cãi vã, của những con phố đi bộ mà đội ngũ móc túi khét tiếng ma lanh nhất nhì thế giới, của đám đông khách du lịch lách cách máy ảnh, của những nhóm doanh nhân những nước giàu mới nổi đi loanh quanh các ngõ ngách, lợi dụng khủng hoảng để manh nha thu mua mọi thứ… Nhưng rồi, sau tất cả những xấu xí đã thành nếp ở rất nhiều kinh đô du lịch trên thế giới, Barcelona đã rất nhiệt tình trong việc nhấn mình vào một giấc mơ mà mình còn chưa muốn tỉnh. Bởi vì trong giấc mơ đó không có những giấc ngủ thiếu giờ, không bài vở, chẳng Internet cũng mặc kệ luôn những ngổn ngang dự tính ở hay về. Lyon hay Sài Gòn, Đà Nẵng hay Besancon? Barcelona nói với mình là “đừng đi đâu hết, ở lại đây với anh”. Và suýt nữa thì mình ở lại thật”.
Nhật Linh bạn tôi đã để lại lời nhắn: “Nếu có yêu Barcelona hay bất kì thành phố nào khác thì hãy để nó làm cuộc tình một đêm thôi “I love you, but I have to go, this is just my station”.
Nhật Linh tất nhiên hoàn toàn có lí. Nhưng nếu Barcelona cũng chỉ là một chặng dừng chân trong đời thì ít nhất đó là một chặng dừng luôn có Maria đón chờ.