Vụ ngừng việc tập thể của hơn 3.000 công nhân (CN) Cty TNHH may mặc Makalot (100% vốn đầu tư của Đài Loan (TQ), đóng tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) diễn ra từ ngày 27.7 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
“Chúng tôi kiệt sức vì phải làm việc 12 giờ/ngày”
Sau khi đốc công người Đài Loan có hành vi hành hung công nhân, NLĐ tham gia ngừng việc tập thể tại Cty càng trở nên bức xúc. Sáng 30.7, trao đổi với PV, CN Đào Việt C – làm việc tại tổ may 2, MK2 – cho biết: “Nguyên nhân chính của việc hơn 3.000 CN chúng tôi dừng việc tập thể từ ngày 27.7 là do trong thời gian gần đây, lãnh đạo Cty thúc ép CN phải hoàn thành định mức công việc với khối lượng lớn, CN phải làm tăng giờ làm thêm liên tục trong tuần – bắt đầu từ 7h30 tới 20h30 mà chỉ được nghỉ ăn trưa 1 giờ, nghỉ giải lao 15 phút.
Trong khi phải làm việc căng sức, tập trung vào công việc một ngày hơn 12 tiếng, nhưng chúng tôi chỉ được lãnh đạo Cty “bao” 2 bữa ăn (trưa, tối) mỗi suất có giá 11.000đ. Do làm việc căng thẳng và thiếu chất dinh dưỡng nên nhiều CN đã mệt mỏi, sinh bệnh. Khi CN bị mệt, ốm xuống phòng y tế có ý kiến là được nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng cán bộ thuộc phòng y tế của Cty có thái độ hách dịch, không tìm hiểu kỹ tình hình sức khỏe của CN, chỉ cho phép nằm nghỉ 10 phút và sau đó yêu cầu tiếp tục làm việc…
Trong những ngày gần đây khi thời tiết nắng nóng, các khu nhà xưởng rất nóng (nhất là phân xưởng là) nhưng Cty trang bị rất ít quạt. Khi CN mở cửa sổ để hứng gió thì bị bảo vệ bắt đóng cửa lại.
CN Lê Thị Th – tổ may 2, MK3 – cho biết, những ngày gần đây, do Cty có đơn hàng nhiều nên vấn đề tăng ca, làm thêm rất căng thẳng. Đốc công luôn đòi hỏi CN phải có sản lượng cao, khi CN đã cố gắng đáp ứng được yêu cầu thì đốc công lại yêu cầu tăng sản lượng cao hơn… NLĐ không thể chịu nổi!
Theo phản ánh của nhiều CN, một trong những nguyên nhân chính tạo tâm lý bức xúc cho CN là do thái độ đối xử của đốc công với NLĐ. Khi CN không đáp ứng được sản lượng, đốc công đã có hành vi đập bàn, quát mắng, cụ thể là trường hợp của đốc công Anni và Cheo Loan… Mặc dù ngày 27.7, CĐ tỉnh Hải Dương đã xuống Cty tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của đại diện CN và trao đổi với lãnh đạo Cty Makalot, nhưng vụ việc không được giải quyết dứt điểm. Khoảng 8h30 sáng 30.7, do không kiềm chế, một đốc công người Đài Loan đã đánh một nam CN. Quá bức xúc, nhiều CN đã có phản ứng tiếp tục ngừng việc.
Sẽ giải quyết sớm vụ việc
Phó Chủ tịch CĐ ngành công thương Hải Dương Nguyễn Thị Huyền xác nhận: Sáng 30.7, tại Cty Makalot, có sự việc đốc công người Đài Loan đánh chảy máu mồm một nam CN. TGĐ Cty đã yêu cầu đốc công người Đài Loan trực tiếp thỏa thuận giải quyết vụ việc với CN bị đánh, nếu không Cty sẽ có biện pháp xử lý thích đáng.
Chủ tịch CĐ ngành công thương tỉnh Hải Dương Lương Ngọc Thắng cho biết: “Sau khi xuống hiện trường để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của CN, ý kiến của CN tập trung vào các vấn đề: Chấm dứt thái độ quát mắng CN, giảm giờ làm, tăng tiền làm thêm, xem xét lại mức giá của khẩu phần ăn ca, tính lại các khoản phụ cấp…”.
Theo ông Thắng, sau khi lắng nghe ý kiến của CN, TGĐ Cty Makalot Johnson Chiu cho biết, lãnh đạo Cty sẽ yêu cầu các đốc công thay đổi thái độ đối với CN, nếu vi phạm sẽ kỷ luật; việc nâng lương không phải tự động được nâng mà cần phải xem vào kỹ năng tay nghề của chính NLĐ, vấn đề tăng ca, lãnh đạo Cty sẽ họp với các tổ trưởng và nghiên cứu sản lượng cho phù hợp với từng phân xưởng.
Cty sẽ tăng tiền ăn ca cho CN, Cty sẽ tìm nhà cung cấp mới, đại diện CN sẽ giúp lãnh đạo Cty kiểm tra chất lượng bữa ăn. Lãnh đạo Cty đã đồng ý tăng một số khoản phụ cấp như xăng xe (lên 200.000đ/tháng), tiền chuyên cần (lên 150.000đ/tháng) v.v… Tổng mức tăng so với thu nhập tháng trước của CN vào khoảng 90.000đ-100.000đ/người/tháng.
Tuy nhiên, ngày 30.7, các CN cho PV biết mức tăng như vậy là quá thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của NLĐ. Vì vậy, họ tuyên bố sẽ tiếp tục ngừng việc tập thể trong ngày 31.7.
Theo ông Trần Ngọc Bính – Trưởng ban CSPL LĐLĐ tỉnh Hải Dương – để giải quyết dứt điểm vụ việc, CĐ sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại giữa CN và chủ DN. Phải tháo gỡ được những khúc mắc để có tiếng nói chung bằng những thỏa thuận cụ thể của DN với NLĐ.