Sau đợt giảm giá xăng ngày 7/6, các doanh nghiệp vận tải vẫn nhìn nhau dò xét chứ chưa chịu giảm giá theo. Đến nay, một số hãng taxi lớn đã bắt đầu giảm giá.
>> Xăng dầu đồng loạt giảm từ 650 – 800 đồng/lít
>> Giá xăng A92 xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm
Ngày 7/6, giá xăng giảm từ 650 – 800 đồng/lít, dầu diezel giảm 700 đồng/lít, dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, dầu ma zút giảm 650 đồng/kg… Đây là lần thứ 3 xăng dầu giảm giá trong khoảng 1 tháng gần đây. Tuy nhiên, sau khi xăng dầu giảm giá, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có ý định giảm giá cước vận tải theo giá xăng.
Đến chiều 11/6, hãng taxi Mai Linh mới chính thức công bố sẽ giảm giá từ ngày 12/6. Ông Nguyễn Đỗ Phương, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Mai Linh Group cho biết “Mai Linh sẽ điều chỉnh giá cước taxi giảm từ 200 đồng đến 1000 đồng/km tùy theo từng lọai xe, từng địa phương”.
Cụ thể, tại khu vực TPHCM, xe 4 chỗ giảm 200đồng/km, xe 7 chỗ Inova J giảm 500 đồng/km; khu vực Đông Nam Bộ giảm từ 500 – 1.00 đồng/km; khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giảm từ 200 – 500 đồng/km; khu vực Tây Nam Bộ giảm 500 đồng/km; khu vực miền Trung giảm 300 – 500 đồng/km.
Trước đó, hãng Vinasun là hãng taxi đầu tiên công bố giảm giá với mức giảm là 500 đồng/km. Đây là hai hãng lớn, chiếm thị phần chủ yếu trên địa bàn TPHCM nên các hãng khác cũng phải nhìn vào để cạnh tranh. Mai Linh khẳng định với mức giảm mới đây của hãng thì giá cước của công ty này đang thấp hơn thị trường khoảng 500 – 1.000 đồng/km. Do đó, dự kiến các hãng taxi nhỏ sẽ phải điều chỉnh giảm giá trong thời gian tới để cạnh tranh.
Tuy nhiên, để thực sự giảm giá thì các hãng taxi còn phải mất khoảng 1 tuần đưa taxi đi điều chỉnh đồng hồ cước. Cho nên, người dân chỉ có thể thực sự được hưởng giá mới vào khoảng cuối tuần này.
Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại thì các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn còn đang nhìn nhau và chưa có động thái giảm giá. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng chưa nhận được thông tin giảm giá nào của các đơn vị thành viên.
Theo một chủ doanh nghiệp vận tải tuyến Bắc Nam thì cộng cả 3 đợt giảm giá xăng dầu vừa qua thì dầu diezel (nhiên liệu chủ yếu của phương tiện vận tải hàng hóa) giảm 1.400 đồng/lít, với tỷ lệ giá dầu chiếm khoảng 40% chi phí vận tải hàng hóa đường dài thì giá cước vận tải có thể giảm từ 2,5% – 3% tùy theo khoảng cách vận chuyển.
Tuy nhiên, cũng theo doanh nghiệp này thì đây là thời điểm khó khăn của ngành vận tải, đơn hàng ít nên ảnh hưởng đến doanh thu chung; nhiều loại chi phí khác như nhân công, phụ tùng phương tiện… vẫn không giảm nên tính đến chuyện giảm giá cước là rất khó khăn. Hầu như các doanh nghiệp vẫn đang ngó chừng nhau, chỉ giảm giá khi các doanh nghiệp có cùng nguồn khách cạnh tranh về giá.
Theo khảo sát của Cục Thống kê TPHCM thì ngành vận tải là ngành gặp khó khăn nhất trong thời gian qua. Trong các doanh nghiệp còn đang hoạt động trên địa bàn TP thì có đến 17,6% doanh nghiệp vận tải không có khả năng nộp thuế giá trị gia tăng (mức trung bình chung tất cả các ngành là 11,8%).
Ngoài ra, trong thời điểm đầu năm, khi giá xăng dầu tăng cao thì rất nhiều doanh nghiệp vận tải không tăng giá cước vận tải theo giá xăng dầu mà cố gắng tiết giảm các chi phí khác để cầm cự bởi các doanh nghiệp sản xuất cũng khó khăn, không kham nổi nếu giá cước tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ không giảm giá trong đợt này.
Nhìn chung, ngành vận tải hàng hóa nếu có giảm giá thì chỉ có 1 số doanh nghiệp đã tăng giá trong những tháng đầu năm mới có thể giảm. Tuy nhiên, nếu có giảm thì mức giảm sẽ khá thấp, chỉ khoảng 50.000 – 100.000 đồng/chuyến cho các chuyến hàng khoảng cách ngắn. Còn các chuyến vận tải đường dài rất khó giảm giá.