Vụ sạt lở đá trên núi Cấm không chỉ là họa cho 6 nạn nhân mà còn khiến cho hàng nghìn người dân sống trên núi lâm vào cảnh khốn khó bởi đường sá bị chốt chặn, nhu yếu phẩm tăng giá.
> Nhiều tảng đá trên núi Cấm vẫn chờ rơi xuống/ Giây phút đá núi Cấm đè chết 6 người /Đá lăn từ núi Cấm đè bẹp ôtô, 6 người chết
Nhiều người dân tại núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, sau tai nạn đá rơi hôm 5/5, bà con hiện như ngồi trên đống lửa bởi cái gì cũng thiếu. Thừa thời cơ đường sá bị lập chốt chặn, giao thông chia cắt không thể lên xuống núi, nhiều tiệm tạp hoá đã đẩy giá tăng vọt.
Trong đó gạo, xăng, dầu tăng giá mạnh nhất. Gạo trước đây chỉ 11.000-13.000 đồng một kg thì nay đã vọt lên 18.000 đồng; còn xăng dầu tăng khoảng 10.000 đồng/lít, đẩy giá lên đến 35.000 đồng/lít. Nếu trước đây, mỗi chuyến thuê người tải hàng lên núi chỉ 40.000 đồng thì nay tăng lên gấp đôi. Dù vậy nhà nào cũng phải tranh thủ bắt tài thuê “cửu vạn” thì mới mong có đồ ăn, thức uống.
“Phải chấp nhận thôi, mình không mua thì lấy gì mà xài. Sáng giờ gia đình tôi phải tìm thuê người gánh mướn mì gói, gas, gạo, bột ngọt… từ dưới chân núi lên", ông Nguyễn Văn Mỹ, người sống trên núi nói.
Con đường độc đạo lên núi Cấm bị đá chặn ngang, giao thông chia cắt. Ảnh: B.M. |
Ông Chau Kun Kon, người chuyên vác thuê hàng hoá cho hay, trước đây có con đường lên núi Cấm, những người như ông chỉ vác mướn một lần một ngày kiếm vài chục nghìn đồng. Nay đường bị tảng đá án ngữ nên nhiều hộ dân trên núi Cấm có nhu cầu mua hàng, nhưng xe không thể chở nên đành thuê cửu vạn. "Hiện mỗi ngày tôi vác khoảng 4 bận đem hàng hoá lên cho sơn dân cũng được gần 200.000 đồng", người đàn ông nở nụ cười nói.
Giọng buồn buồn, ông Huê ở Thiên Tuế cho hay, nhà mình cặp mé đường lên xuống núi Cấm, rất thuận tiện cho lưu thông. Nhưng nay con đường bị chia cắt, giá xăng tăng chóng mặt nên ông đành tạm cất xe ở nhà. "Tình hình như vậy mà kéo dài chắc những hộ dân nghèo trên này không biết lấy tiền đâu để đong gạo chứ đừng nói tới chuyện gì lớn lao. Còn những người từng vay tiền mua xe máy chở khách lên xuống núi Cấm để kiếm cơm hàng ngày không biết tìm đâu ra tiền để góp cho chủ nợ”, ông Huê nói.
Từ lâu đỉnh núi Cấm được biết đến là chốn linh thiêng, huyền bí nên thu hút đông du khách về hành hương. Đặc biệt vào dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, mỗi ngày có hàng nghìn du khách đến tham quan nghỉ dưỡng và ngắm cảnh đẹp. Song, trong những ngày qua do xảy ra tình trạng sạt lở núi làm tử nạn nhiều người, các hoạt động du lịch bị trì trệ dù đang là tháng cao điểm diễn ra Lễ hội Vía Bà. Khu vực trung tâm du lịch trên núi Cấm như chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh hay tượng phật Di Lặc trở nên đìu hiu vì lượng khách đến tham quan, cúng bái ít dần.
Ông Nguyễn Văn Ban, Phó Ban quản tự chùa Phật Lớn cho biết, thông thường vào thời điểm này có hàng nghìn khách du lịch đến đây đông kín cả từ bên trong chánh điện lẫn ngoài sân chùa. Đặc biệt, khách khó có thể chen chân đi trên cây cầu Đỏ để qua chùa. Nhưng chỉ ngày đầu tiên xảy ra sạt lở núi, lượng khách đã giảm đến 2/3 so với cùng kỳ. Còn từ hôm qua cho tới nay, số khách đến chùa chỉ khoảng 15%.
Ngoài ra, vụ sạt lở đá núi còn khiến cho những tiểu thương lâm vào cảnh ế ẩm. “Mấy hôm nay quán vắng như chùa Bà Đanh. Nếu trước đây, bán mỗi ngày từ 100-150 cái bánh xèo thì nay giảm xuống còn chừng chục cái”, bà Bích, một người bán bánh xèo trên núi Cấm than.
Khu du lịch tại núi Cấm vắng khách sau tai nạn đá lăn đè chết 6 người. Ảnh: B.M |
Ông Phạm Văn Trác, chủ nhà trọ Ngọc Lan Viên ở Thiên Tuế nói như mếu: “Hai ngày qua chẳng có bóng khách nào đến thuê trọ, thu nhập không đủ chi phí trả tiền điện huống gì tiền cơm gạo. Không riêng chỗ tôi, tất cả nhà trọ trên núi này đều cùng chung cảnh ngộ”.
Trước tình hình này, ngày 8/5, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Ngô Hồng Yến đã chỉ đạo UBND xã An Hảo huy động toàn bộ lực lượng vận chuyển gạo, xăng dầu bằng lối mòn bậc thang lên núi Cấm để phục vụ bà con. Hộ dân nào có nhu cầu phải đăng ký trước để UBND xã tổng hợp, rồi cử lực lượng mang lên và đảm bảo theo giá thị trường.
Ngoài ra, UBND xã vận động người dân trên núi có con em đang theo học ở các trường dưới đồng bằng không được về nhà trong thời điểm khắc phục sự cố sạt lở. Mỗi học sinh ở lại sẽ được hỗ trợ tiền trọ và chi phí ăn uống.
Ông Lý Thanh Sang, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang cho biết, sau khi công trình thi công giải phóng hiện trường vụ sạt lở sẽ mời 300 vị sư chùa Vạn Linh đến nơi xảy ra tai nạn do sạt lở núi để tổ chức lễ cầu siêu cho 6 nạn nhân.
Sáng 5/5, tài xế Trương Hoàng Tâm (27 tuổi, ngụ xã An Hảo) lái ôtô lữ hành của đơn vị khai thác du lịch chở 7 người, khi đến lưng chừng núi Cấm thì những tảng đá lớn từ trên đỉnh núi rơi xuống đè bẹp chiếc xe. Tai nạn đã làm chết 6 người và 2 người bị thương.