Một số ngân hàng lớn vừa công bố giảm lãi suất cho vay. Dự báo thời gian tới sẽ có “làn sóng” giảm lãi suất, khi tính thanh khoản ngân hàng được cải thiện và trần lãi suất giảm thêm khoảng 1% trong 1 – 2 tháng tới.
>> ANZ: Lãi suất ở Việt Nam chắc chắn giảm
>> HSBC: "Có thể hạ trần lãi suất huy động xuống 13% trong quý I"
Tiếp sau Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng lớn thứ 3 trong nhóm G12 công bố hạ lãi suất cho vay và mức giảm là 0,5%/năm so với các mức sàn lãi suất đang áp dụng.
Lãi suất cho vay thấp nhất tại VietinBank hiện ở mức là 16%/năm. Cụ thể: lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn là 16,3%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh là 17%/năm. Nếu khách hàng kinh doanh hiệu quả, uy tín thì mức lãi suất sẽ thấp hơn nữa tùy theo từng lĩnh vực.
Trước đó, mức lãi suất mới mà BIDV dành cho đối tượng đặc biệt vay thấp nhất là 14,5%/năm và cao nhất 17 – 17,5%/năm; Vietcombank cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn là 17%/năm, lãi cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%/năm và xuất khẩu ngắn hạn 16%/năm.
Tuy nhiên các ngân hàng này cũng khẳng định chỉ một số ít doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được lãi suất này, chủ yếu là những doanh nghiệp quan hệ lâu năm, rủi ro thấp, không có nợ quá hạn, có nguồn thu từ xuất khẩu.
Có thể thấy rằng, việc giảm lãi suất cho vay hiện mới chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại lớn với mức độ dè dặt, còn các ngân hàng nhỏ vẫn đang trong thế "án binh bất động", chưa chịu nhập cuộc. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lý giải là do các ngân hàng còn đang nghe ngóng thị trường. Dự báo, xu hướng giảm lãi suất sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi mà tính thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại lớn đang được cải thiện đáng kể.
Đã đến lúc hạ trần lãi suất huy động?
Còn nhớ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình từng đưa ra thông điệp: “Nếu lạm phát về 8-8,5% thì lãi suất huy động sẽ giảm về 10%”. Nhưng với những diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng thời gian gần đây có thể thấy, lộ trình giảm lãi suất còn phụ thuộc nhiều vấn đề bên cạnh điều kiện cần là khả năng hạ nhiệt của lạm phát.
Sau khi lạm phát lập đỉnh vào tháng 8/2011 ở mức 23,02% đã quay đầu hạ nhiệt nhanh chóng và hiện ở mức 17,27% (tháng 1/2012). Với tính toán mức tăng của chỉ số CPI tháng 2 là 1,5% và sẽ giảm xuống mức trung bình khoảng 0,5% các tháng sau đó, nhiều chuyên gia dự báo lạm phát sẽ xuống dưới 12% trong tháng 4 và dưới 10% khi kết thúc quý II/2012. Với xu hướng lạm phát như vậy, lãi suất sẽ có cơ sở tương đối vững chắc để hạ nhiệt.
Mặc dù lạm phát đã giảm như vậy, nhưng khả năng hạ lãi suất có thể cần một thời gian dài hơn do những vấn đề về thanh khoản ngân hàng chưa được giải quyết. Nợ xấu cao và chủ yếu là là nợ xấu cho vay bất động bất động sản sẽ là thách thức lớn đối với NHNN trong nỗ lực giải quyết thanh khoản để giảm lãi suất một cách thực sự tự nhiên. Đặc biệt là trong bối cảnh ngân hàng nhỏ vì lý do thanh khoản đã “xé rào” lãi suất, dù NHNN luôn khẳng định sẽ “xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”.
Theo báo cáo chuyên đề “Dự báo khả năng và thời điểm hạ lãi suất” của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), tình hình nợ xấu năm nay trầm trọng hơn so với giai đoạn 2008-2009 (thời điểm lạm phát và lãi suất tăng cao kỷ lục) do thị trường bất động sản hiện nay gần như tê liệt. Các khoản cho vay bất động sản chưa thu hồi sẽ phải gia hạn, đảo hạn nhiều lần, và do vậy có rủi ro nợ xấu rất cao.
“Như vậy, chừng nào bất động sản còn khó khăn và chưa tìm được đầu ra, thanh khoản ngân hàng còn gặp khó, và do vậy có thể đoán định được việc cần một khoảng thời gian nhiều hơn để hạ lãi suất một cách tự nhiên, so với dự đoán ban đầu của đa số nhà đầu tư. Do vậy, có thể hết năm 2012 mới có thể hạ lãi suất về cơ bản”, BSC nhận định.
Trên thực tế, để chờ đến cuối năm lãi suất mới hạ thì thị trường, doanh nghiệp và niềm tin của người dân sẽ khó chấp nhận được, nên không loại trừ khả năng các cơ quan chính sách sẽ dùng “ý chí” để hạ, nhằm tạo một thông điệp tích cực hơn cho thị trường. Các chính sách đưa ra có thể là dùng công cụ hành chính hạ trần lãi suất thêm khoảng 1% so với mức 14% như hiện nay.