Phủ Giầy có tên cổ là Kẽ Giầy, cho tới khi Liễu Hạnh được suy tôn là Mẫu Nghi thiên hạ, Chế Thắng Hoà diệu đại vương và được sắc phong là Thượng Đẳng Tối Linh Thần, thì Kẽ Giầy được đổi thành Phủ Giầy.
Theo truyền thuyết, Liễu Hạnh nguyên là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng, có lỗi đánh vỡ chén ngọc phải giáng trần (1557). Đầu thai vào nhà Lê Thái Công, một nhà giáo tích đức, nên Quỳnh Hoa – lúc này là Giáng Tiên – trở thành người tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, nhiều lần xướng hoạ thơ văn với Đào Lan (chồng) và các bậc danh nho như Phùng Khắc Khoan. Đặc biệt tương truyền về sau, khi nương cửa Phật, nàng có công âm phù triều đình, dẹp yên giặc giã, giúp dân trừ dịch…
Công chúa Liễu Hạnh đi nhiều nơi, tới đâu cũng làm điều thiện nên nhân dân tôn là Thánh Mẫu, Mẫu Liễu và lập đền thờ.
Có mặt tại Phủ Giày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh – Thần chủ Ðạo Mẫu Việt Nam vào chiều 5/2(tức ngày 14 tháng giêng, Âm lịch), PV Dân trí ghi nhận không khí nô nức của hàng nghìn du khách trên đường về dự lễ khai ấn đền Trần rẽ về Phủ dâng hương Mẫu Liễu Hạnh. Ngay từ đoạn đường dẫn vào hội Phủ Giày, nhiều đoạn trở nên ùn tắc khi dòng người và các phương tiện ô tô, xe máy thi nhau chen chân giành chỗ lên trước. Dòng người đi lễ nhích theo nhau từng bước giữa ngổn ngang ô tô, xe máy để cố chen vào Phủ Chính cầu lộc, cầu may cho năm mới tốt lành.
Ngay tại khu vực cổng Phủ Chính, cảnh tượng chào mời, chèo kéo du khách từ gửi xe, đổi tiền lẻ, hàng ăn đến “dịch vụ” ăn xin…tràn ngập làm cho du khách cảm thấy mệt nhoài. Những dịch vụ ăn theo lễ hội đều đội giá hơn so với ngày thường. Kiếm bộn tiền nhất phải kể đến dịch vụ gửi xe với 30 nghìn/ xe ô tô, dịch vụ đổi tiền lẻ với mức 100 nghìn tiền chẵn ăn 80 nghìn đến 90 nghìn tiền lẻ tùy loại…
Tại khu vực trong đền, khách thập phương nườm nượp dâng lễ, cầu Đức Mẫu phù hộ cho sự bình an, hạnh phúc. Mặc dù nhà đền đã bố trí hàng chục hòm công đức tại các điểm dâng lễ nhưng nhiều người vẫn cố tình đặt tiền lẻ lên ban thờ, trong đồ lễ với quan niệm như thế mới may khiến nhà đền phải liên tục cắt cử người thu gom tiền lễ.
Bà Trần Thị Huệ – Người quản lý trông nom nhà đền Phủ Giày cho biết, những ngày đầu năm Nhâm Nhìn đã có trên 2 vạn lượt khách hành hương khắp nơi tìm về hành lễ cầu sức khỏe và may mắn. Do năm nay ngày nghỉ tết nguyên đán kéo dài nên Ban quản lý nhà đền phải bố trí thêm lực lượng trông nom, hướng dẫn khách hành hương hành lễ đúng theo phong tục tập quán để gìn giữ nét văn hóa tâm linh truyền thống.
“ Bên cạnh việc trông nom khu vực đền, nhiều người trong Ban quản lý chúng tôi đã trực tiếp phát hiện, bắt giữ hàng chục trường hợp cố tình lẩn vào đám đông giả vờ hành lễ để ăn cắp tiền công đực tại các điện thờ. Hầu hết những kẻ gian ở địa phương khác tìm về đền để ăn cắp, móc túi, cướp điện thoại di động của du khách hành lễ. Những kẻ gian bị chúng tôi phát hiện, bắt giữ rồi giao cho công an địa phương xử lý” – Bà Huệ cho biết.
Mặc dù năm nay, việc tổ chức lễ hội tại Phủ Giày đã chu đáo hơn các mùa lễ hội trước. Tuy nhiên, những “hạt sạn” như tình trạng ăn mày tràn lan đeo bám du khách, tình trạng trộm cắp, móc túi vẫn còn diễn ra và các dịch vụ thi nhau chặt chém khiến nhiều du khách tá hỏa khi tài sản không cánh mà bay.
Đặc biệt nhức nhối là tệ nạn cờ bạc diễn ra rất công khai giữa ban ngày trên con đường chính dẫn vào đền Phủ Giày mà tuyệt nhiên chúng tôi không hề thấy bóng dáng lực lượng bảo vệ hay công an địa phương làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho khách hành hương.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại tại đền Phủ Giày: