Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, cho biết: Cây hoa Saffron là loại cây quý vốn được dùng làm dược liệu và làm gia vị nhưng còn xa lạ với người Việt Nam. Từ lâu người nước ngoài rất ưa chuộng dùng sản phẩm chế biến từ loài hoa này. Giống hoa Saffron được trồng nhiều tại các nước Morocco, Iran và Tây Ban Nha… Theo tài liệu kỹ thuật của nước ngoài, để có được 1 kg nhụy hoa Saffron làm dược liệu hoặc làm gia vị phải thu hái nhụy từ 200.000 bông hoa do nhụy hoa cây này rất nhỏ. Nhụy hoa Saffron làm dược liệu quý điều chế thuốc chữa bệnh cho người như các bệnh cảmcúm, đau dạ dày, cao huyết áp, chống trầm cảm, khô da…
Hoa Saffron trồng ở vùng cao Sa Pa.
Ngoài ra sản phẩm nhụy hoa Saffron còn được dùng như những loại mỹ phẩm thượng hạng làm đẹp da cho phụ nữ. Nhụy hoa Saffron còn được coi là loại gia vị quý chế biến nhiều món ăn ngon không thể có loại gia vị nào thay thế được.
Nhụy hoa cây Saffron cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm. Khi mặt trời vừa mọc, hoa Saffron sẽ nở, vì thế việc thu hoạch nhụy hoa phải làm ngay để không bị ánh nắng mặt trời chiếu vào quá lâu làm hoa mất đi hương thơm cần có. Nhụy hoa được đem phơi khô với một độ khô nhất định và tốt nhất là khi những sợi nhụy hoa khô co lại khoảng 1/3 so với nhụy hoa mới được thu hái.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cũng khẳng định với phóng viên: Sau nhiều năm kiên trì nghiên cứu, Sa Pa đã di thực và trồng thành công loại thảo dược quý Saffron. Hiện tại cây đang sinh trưởng và phát triển tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng cao Sa Pa. Khắc phục nhược điểm của vùng núi Sa Pa hay mưa nhiều ngày ảnh hưởng tới chất lượng nhụy hoa Saffron khi thu hoạch , những người trồng khảo nghiệm giống hoa này đã có sáng kiến trồng hoa vào chậu để đưa hoa vào nhà khi thu hoạch sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng và năng suất sản phẩm.
Giống cây Saffron là một trong những loại thảo dược quý lần đầu tiên được trồng thành công ở Việt Nam và chỉ có duy nhất ở Sa Pa.
Hiện nay UBND huyện Sa Pa đang có chủ trương lập dự án tiếp tục nghiên cứu khoa học và dự án kinh tế đưa giống cây Saffron trồng đại trà thành hàng hóa xuất khẩu thay thế một số cây dược liệu hiệu quả kinh tế thấp hoặc nguy hiểm cho sức khỏe cho người tiêu dùng như cây trà Nhật (cỏ ngọt SaPa) mà báo chí đã cảnh báo.
Trong tương lai không xa, sản phẩm nhụy hoa Saffron Sa Pa sẽ làm phong phú thêm danh mục thảo dượccủa Việt Nam nói chung và của Sa Pa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc địa phương và cũng là đặc sản quý phục vụ cho du khách tới thăm vùng núi du lịch nổi tiếng này.