Dân trí) – Bất chấp hơi thở lạnh lẽo của Tết phả vào gáy doanh nghiệp và công nhân, các ngân hàng vẫn nhất quyết không giảm lãi suất.
>> TS Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất huy động ngầm lên tới 20-21%
>> Tái diễn tình trạng mặc cả lãi suất
Ngân hàng nhà nước đang làm gì?
Lẽ đương nhiên là NHNN đang làm nhiệm vụ của mình: điều hành hoạt động tiền tệ và tín dụng.
Tình trạng "mặc cả lãi suất" đang tái diễn sau một thời gian ngắn được "dẹp loạn" (Ảnh minh họa)
Điều có thể thấy rõ nhất trong vài tháng qua là hoạt động tiền tệ đã được nhấn mạnh vào nhiệm vụ tái cấu trúc ngân hàng. Ở vào bước khởi đầu êm xuôi của nhiệm vụ này, 3 ngân hàng thương mại đã được hợp nhất, mở đầu cho một phong trào sáp nhập đầy hứa hẹn trong năm 2012.
Nhưng trong khi trào lưu tái cấu trúc ngân hàng được đẩy nhanh tiến độ, trong khi lời hứa hẹn của thống đốc Nguyễn Văn Bình từ cuối tháng 8/2011 “Sẽ phối hợp với công an để làm rõ đối tượng đầu cơ, làm giá trên thị trường” vẫn chưa thể làm cho giá vàng trong nước giảm bớt độ chênh cao dưới mức 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, thì hơi thở của Tết Nhâm Thìn lại đang đến gần. Rất gần.
Những ngày sát Tết, hơi thở ấy toát ra một hương vị lạnh lẽo và xa lạ. Hàng trăm ngàn công nhân không có đủ tiền chỉ để mua vé tàu về quê. Nhiều thân phận làm thuê sẽ trở nên lạc lõng trong không khí phố phường đô thị, vào những ngày mà nhân viên ngân hàng rạo rực tiền thưởng Tết lên đến năm bảy chục triệu đồng mỗi đầu người.
Nguồn cơn của hơi thở ảm đạm ấy cũng đến từ hàng chục ngàn doanh nghiệp, vốn đã vật vã trong suốt năm ngoái vì suy thoái kinh tế, giờ đây lại không biết tìm đâu ra tiền để thanh toán đủ lương tháng cho người lao động.
“Hài hòa lợi ích”, có không?
Cơ hội cuối cùng của tháng Chạp năm ngoái đã trôi qua, khi chỉ số lạm phát dù đã giảm dưới mức 1% vào tháng thứ năm liên tiếp, nhưng lãi suất cho vay vẫn bị đa số các ngân hàng treo cao.
Ngay cả trong bối cảnh kế hoạch cho vay tín dụng của các ngân hàng chỉ đạt vài chục phần trăm vào cuối năm 2011, vẫn chẳng có mấy tổ chức tín dụng mở lòng từ bi giảm lãi suất.
Song ở một bối cảnh khác, việc lao đầu vào vay với mức lãi suất 21-23%/năm là con đường ngắn nhất dẫn các doanh nghiệp sản xuất đến chỗ tự sát.
Vậy NHNN đã làm gì để giải tỏa cơn khủng hoảng tín dụng như thế?
Tháng Chạp năm 2011 là thời hạn cuối cùng để khối doanh nghiệp sản xuất lo một cái Tết tạm đủ hơi ấm cho công nhân của mình. Nhưng với điều kiện là doanh nghiệp “tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ” – cụm từ vẫn thường xuất hiện không ít lần trong những lời hứa hẹn của lãnh đạo NHNN trong thời gian qua.
Song cái điều kiện cần trên đã không hề xảy ra. Trừ BIDV và một ít ngân hàng cổ phần khác, còn lại vẫn gần như đóng cửa với doanh nghiệp. Lý do ư? Họ chờ đợi những động thái mới của NHNN.
Sự chờ đợi như vậy đã kéo dài quá lâu, bất chấp không dưới hai lần chính Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN nhanh chóng giảm ngay lãi suất để phục vụ cộng đồng.
Giảm lãi suất cũng là sự san sẻ quyền lợi của ngành ngân hàng, vốn đã từng ăn chắc mặc bền trong suốt thời suy thoái, cho phần lớn các doanh nghiệp lâm vào tình trạng “đói rách”.
Nhưng lại đã không hề diễn ra một hình ảnh “hài hòa lợi ích” nào. Càng chẳng có một hy vọng nào cho sự hy sinh tự nguyện của các ngân hàng.
Những ngày gần Tết Nhâm Thìn, sức tiêu thụ hàng hóa giảm đến khoảng 40% so với thời gian gần Tết năm 2011 là một minh chứng điển hình. Cùng với sự sụt giảm về nhu cầu mua sắm là tỷ lệ hàng tồn kho tăng mạnh: 23%.
Ngay cả những doanh nghiệp còn tiềm năng sản xuất vẫn nhìn thấy một nguy cơ nào đó có thể “chết trên đống tài sản của mình”.
Phải chăng để hạn chế lạm phát mà NHNN đã thắt chặt quá mức dòng chảy tín dụng?
Nhưng nếu vì động cơ lo lắng lạm phát và tận tâm với chính sách tiền tệ “linh hoạt và uyển chuyển”, tại sao chính NHNN lại bỏ qua sự thực thi nghiêm minh trong Chỉ thị 02 của mình?
NHNN sẽ trả lời ra sao?
Chỉ thị 02 ra đời vào đầu tháng 9/2011 khi NHNN thiết lập lại trần lãi suất huy động 14%/năm. Trong vài tháng sau đó, mệnh lệnh từ NHNN là hết sức nghiêm khắc, thậm chí cơ quan này còn sẵn sàng hình sự hóa một số vụ vi phạm vượt trần lãi suất bằng biện pháp mời Tổng cục cảnh sát thuộc Bộ Công an nhập cuộc.
Tuy nhiên, cũng giống như dấu hiệu cho sự thất bại của Thông tư 02 cũng do NHNN ban hành vào những tháng đầu năm 2011 về trần lãi suất huy động 14%/năm, chỉ vài tháng sau Chỉ thị 02, những dấu hiệu xé rào trần lãi suất huy động lại chớm dậy.
Tại một hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng Hà Nội gần đây, đã xuất hiện những ý kiến chính thức xác nhận hiện tượng vi phạm trần lãi suất không còn là đơn lẻ.
Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Nội, ông Ngô Văn Dũng, đã cung cấp những thông tin rất tương đồng với dư luận cũng về vấn đề này trong thời gian gần đây: “Trên thực tế, kỷ cương lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng chỉ giữ được từ ngày 7/9 đến hết tháng 9/2011. Còn từ tháng 10/2011 đến nay, đặc biệt là tháng 12/2011, thị trường ngân hàng đang phải chịu đựng tình trạng mặc cả lãi suất, song không dễ phát hiện, không dễ tố cáo”.
Một “nhân chứng” khác – bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP SeABank – cũng bổ sung: hiện tượng mặc cả lãi suất đang xảy ra với mức lãi suất huy động lên tới 17-20%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng đến tận nhà khách hàng để xin trả phần tiền chênh lệch.
Đê chắn cuối cùng của NHNN đang có nguy cơ bị vỡ. Không ổn định được thị trường vàng trong suốt nửa năm qua trong lúc nạn đầu cơ vàng vẫn hoành hành ngang nhiên, không “linh hoạt” với lãi suất cho vay và do đó không làm giảm được chút nào khó khăn của các doanh nghiệp, trong khi dường như NHNN lại “uyển chuyển” quá mức với lãi suất huy động.
Không ít nghi vấn về tính khách quan và năng lực thật sự trong điều hành thị trường tín dụng và thị trường vàng vẫn đang được nhắm đến NHNN.
Vào những ngày mà Tết đang phả hơi thở lạnh lẽo của nó vào gáy doanh nghiệp và người lao động, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều người trong giới phân tích cũng đầy bức xúc trước sự im lặng khó hiểu và khó tả của lãnh đạo NHNN.
Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài chừng nửa năm nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ chết thật chứ không chỉ là “chết lâm sàng” như những mô tả cách đây 6 tháng. Nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều gia đình công nhân sẽ trở nên gia cảnh khốn khó, thậm chí là bế tắc sinh nhai. Khi đó, liệu việc kéo giảm lãi suất của NHNN còn có ý nghĩa gì nữa?
Hoặc, một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là sau Tết Nhâm Thìn, được kích thích bởi những cố gắng không ngừng nghỉ trong chuyện tăng giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chưa kể đến đến “vũ điệu” của những mặt hàng khác như nước sạch, gas, giá cả hàng tiêu dùng và do đó chỉ số lạm phát sẽ có nguy cơ tăng trở lại. Khi đó, sẽ lại có lý do chính đáng để tiếp tục duy trì chính sách neo cao lãi suất cho vay, còn lãi suất huy động vẫn tiếp diễn tình trạng “thỏa thuận”?