Xin giới thiệu tới độc giả 9 câu chuyện nổi bật của kinh tế thế giới năm nay do Dân trí lựa chọn và giới thiệu:
1. Khủng hoảng nợ công tại châu Âu
“Gọng kìm” của khủng hoảng nợ công đã siết chặt các quốc gia trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) suốt hơn 2 năm qua và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm buông tha khu vực này. Bắt nguồn từ Hy Lạp và Ireland, cuộc khủng hoảng này đã tấn công sang Bồ Đào Nha, đang đe dọa bẻ gẫy những mắt xích tiếp theo như Bỉ, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, và đặt đồng Euro vào thế “mất – còn”. Hạ điểm tín nhiệm đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với hàng loạt quốc gia trong Eurozone.
2. Mỹ lần đầu bị hạ điểm tín nhiệm và đối mặt nguy cơ suy thoái kép
Dù đã được tiên liệu trước, việc hãng định mức tính nhiệm Standard & Poor’s tước hạng mức tín nhiệm AAA của Mỹ vào đầu tháng 8 năm nay vẫn khiến thị trường toàn cầu chấn động. Các tổ chức tín nhiệm lớn khác gồm Moody’s và Fitch tuy chưa hạ điểm tín nhiệm của Mỹ, nhưng đều đã lên tiếng cảnh báo về một động thái tương tự trong 1-2 năm tới do mức nợ công và thâm hụt chi tiêu khổng lồ của Washington, cùng sự thiếu vắng một kế hoạch giảm nợ có sức thuyết phục.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, nợ chính phủ Mỹ hiện đã vượt mức 15.000 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2012, mức thâm hụt dự báo sẽ là 1.100 tỷ USD, cải thiện đôi chút so với con số 1.300 tỷ USD vào năm 2011.
Tỷ lệ thất nghiệp cao và thị trường nhà đất trầm lắng vẫn là những “bóng ma” bám đuổi kinh tế Mỹ năm nay. Gần đây, kinh tế Mỹ cho thấy những dấu hiệu khởi sắc hơn, giải tỏa mối lo suy thoái kép ám ảnh trong phần lớn thời gian của năm 2011. GDP của Mỹ tăng 1,8% trong quý 3 vừa qua, và được nhận định tăng khoảng 3% trong quý 4.
3. Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục chứng tỏ sức mạnh
Tuy giảm tốc trong năm nay và khiến nhiều nhà quan sát lo ngại về nguy cơ “hạ cánh cứng”, kinh tế Trung Quốc vẫn là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay. Bên cạnh đó, các nền kinh tế mới nổi lớn khác như Brazil, Ấn Độ, Nga… cũng chứng tỏ sức vươn lên bền bỉ bất chấp những “cơn gió chướng” thổi tới từ các nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng vẫn là một vấn đề phải bàn đối với các nền kinh tế mới nổi. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2010, Brazil và Nga xếp ở vị trí khoảng thứ 50 về GDP/đầu người, Trung Quốc ở vị trí 84 và Ấn Độ ở vị trí 123.
4. Giá vàng biến động mạnh
Mặt hàng có biến động giá kịch tính nhất trong năm nay có lẽ là vàng. Trong phần lớn thời gian của năm, kim loại quý này được xem là “hầm trú ẩn” trước cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, với mức giá có lúc vượt 1.900 USD/ounce, cao chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, từ tháng 9 tới nay, vàng để mất vai trò kênh đầu tư an toàn và hiện đã sụt giá về dưới mức 1.600 USD/ounce. Vàng đã bị bán ra mạnh mẽ do giới đầu tư phải huy động tiền mặt để bù lỗ cho các kênh đầu tư khác.
5. USD mới là “vịnh tránh bão” số 1
Cùng với sự mất giá của vàng, đồng tiền của Mỹ đã thế chân kim loại này ở cương vị “vịnh tránh bão” số 1 của giới đầu tư quốc tế. Điều này có thể xem là một câu chuyện “trớ trêu” khi mà nước Mỹ vẫn nợ đầm đìa và vừa mới bị hạ điểm tín nhiệm. Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu thúc đẩy các nhà đầu tư đổ vốn vào đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ, trong khi mất niềm tin ở các tài sản khác, bao gồm cả vàng.
6. Lạm phát leo thang
Sự leo thang của giá hàng hóa cơ bản và những dòng vốn lớn đổ vào từ các nền kinh tế phát triển đã đẩy áp lực lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi tăng cao. Lạm phát tại Ấn Độ đã lập đỉnh vào tháng 5 khi chạm mức 9,6%; lạm phát tại Trung Quốc lên 6,4% vào tháng 7/2011; lạm phát của Nga cũng đạt đỉnh trên 9%… Với thực trạng này, các nền kinh tế mới nổi đua nhau nâng lãi suất và cho phép đồng nội tệ tăng giá để chống lạm phát.
7. Thảm họa kép động đất – sóng thần – hạt nhân tại Nhật Bản
Thảm họa kép động đất – sóng thần – hạt nhân giáng xuống Nhật Bản hồi tháng 3 giữa lúc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang trong tình trạng tăng trưởng trì trệ. Mức độ “đen đủi” đối với kinh tế Nhật càng tăng trong năm nay khi đồng Yên mạnh tiếp tục là một thách thức và không dễ giải quyết đối với các nhà xuất khẩu và Chính phủ nước này. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người Nhật, đất nước mặt trời mọc đã thoát suy thoái vào quý 3 vừa qua, với mức tăng trưởng GDP 1,5% sau 3 quý liên tục giảm.
8. Nga gia nhập WTO sau 18 năm chờ đợi
Sau 18 năm thương thảo, cuối cùng thì ngày 16/12, Nga đã chấp thuận trở thành thành viên thứ 154 của tổ chức thương mại thế giới WTO. Với sự tham dự của nền kinh tế lớn nhất nằm ngoài WTO, hoạt động thương mại của các thành viên sẽ chiếm tới 97% thương mại toàn cầu. Tuy vậy, vẫn phải chờ Nghị viện Nga phê chuẩn các tài liệu này vào tháng 1/2012 và 30 ngày sau, Nga mới chính thức trở thành thành viên của WTO.
9. Năm “đen đủi” của nhiều CEO
Kinh tế đi xuống, làm ăn ngày càng khó đồng nghĩa với nhiều giám đốc điều hành (CEO) của nhiều doanh nghiệp lớn có một năm 2011 không suôn sẻ. Bên cạnh đó, nhiều CEO còn tự “chuốc vạ vào thân” bởi những phát ngôn và hành động lố bịch hay cách điều hành doanh nghiệp tồi.
CEO Brian Moynihan của ngân hàng Bank of America nằm trong số những CEO bị dư luận “soi” kỹ nhất trong năm nay, vì nhà băng này liên tục gặp bê bối và làm ăn “bết bát”. Làn sóng phản đối Moynihan đã lên tới đỉnh cao khi ông này tuyên bố Bank of America “có quyền kiếm lợi”.
Nhưng Moynihan còn may mắn hơn khối CEO khác, những người không giữ được ghế trong năm nay. Trong đó phải kể tới CEO Jon Corzine của hãng môi giới MF Global mất chức vì công ty phá sản, CEO Gerard Arpey của hãng hàng không American Airlines cũng mất chức vì lý do công ty phá sản, hay nữ CEO Carol Bartz của Yahoo! bị sa thải chỉ bằng một cú “alô” của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ngôi vị sếp doanh nghiệp “nghèo” đi nhiều nhất trong năm nay có lẽ thuộc về tỷ phú Larry Ellison của hãng phần mềm Oracle. Tính đến hôm 21/12, giá trị tài sản ròng của tỷ phú này đã giảm 6,7 tỷ USD so với cuối năm 2010 do giá cổ phiếu công ty đi xuống, nhưng vẫn còn đủ để ông đứng ở vị trí người giàu thứ ba nước Mỹ.
Nhưng câu chuyện CEO lớn nhất năm nay phải là câu chuyện về huyền thoại công nghệ Steve Jobs của Apple, người tạ thế hôm 5/10 ở tuổi 56, sau nhiều năm ròng chống chọi với căn bệnh ung thư.