(Dân trí) – 2011 là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Đây là năm gắn với làn gió mới từ những vị “bộ trưởng nói và làm”, với công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và những thay đổi trong nhiều ngóc ngách của giới làm ăn.
Dân trí xin điểm lại những phát ngôn ấn tượng của giới chức và các doanh nhân gây ấn tượng mạnh trong năm qua, gắn với những hoạt động kinh tế trong một năm đầy biến động và thách thức.
1. “Lãi suất tiền gửi không thể thực dương” – Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Trả lời phỏng vấn sau lễ nhậm chức, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố: “Định hướng lâu dài lãi suất tiền gửi không thể thực dương”. Ông đề cập tới xu hướng chung trên thế giới, ngân hàng và chỉ là nơi giữ hộ tiền cho dân chứ không phải kênh đầu tư, nếu người dân muốn kinh doanh vốn, phải đầu tư ở thị trường chứng khoán. “Trong điều kiện bình thường, không nhất thiết lãi suất tiền gửi phải cao hơn lạm phát”, Thống đốc nhấn mạnh.
Sau phát ngôn này của tân Thống đốc, người dân và giới tài chính không khỏi xôn xao vì từ trước đến nay, dù không công bố chính thức, nhưng lãi suất thực dương gần như là một chủ trương của các ngân hàng khi xây dựng chính sách lãi suất của mình.
Ông Bình được đánh giá cao với nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khởi đầu bằng việc “dẹp loạn” vượt trần lãi suất và định hướng hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng. Nhưng hiệu quả của chính sách quản lý thị trường vàng mà Thống đốc đưa ra vẫn là một câu hỏi khi giá vàng trong nước vẫn cao hơn mặt bằng thế giới tới gần 3 triệu đồng/lượng, gấp nhiều lần con số “vàng” 400.000 đồng/lượng mà Thống đốc công bố.
2. “Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước” – Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh internet).
Tại cuộc hội thảo “nóng” về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường hồi tháng 9, trước quan điểm của Bộ Công thương và một số doanh nghiệp lo “vỡ nguồn cung” vì lỗ, Bộ trưởng Huệ nói: “Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước”.
Sau lời tuyên bố thẳng thắn, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo lỗ lãi, các hoạt động kinh doanh. Hành động của lãnh đạo Bộ Tài chính được coi là thẳng thắn, quyết đoán và được dư luận đồng tình.
3. “Ai muốn tự do thì đừng làm lãnh đạo nữa” – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng (ảnh internet).
Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ quan điểm cứng rắn về việc cấm các cán bộ cấp cao ngành giao thông chơi golf để dành thời gian làm việc. Ông Thăng được dư luận đồng tình với nhiều quyết sách quyết đoán như “thay tướng” các dự án chậm tiến độ, thanh tra toàn diện các loại hình giao thông công cộng và ráo riết thực hiện các giải pháp chống tắc đường.
4. “Lương 7,3 triệu đồng/tháng không đủ sống ở thành thị” – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh (ảnh internet).
Ông Thanh nói về thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên là không đủ sống ở thành thị và điều đó khiến ông cảm thấy "đau lòng". Phát ngôn của lãnh đạo EVN đã gây tranh luận kéo dài từ nghị trường Quốc hội tới các diễn đàn, nhất là trong điều kiện EVN liên tục báo cáo lỗ và đòi tăng giá điện.
5. “Xin đừng năm nào cũng nói tăng lương” – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng.
Trả lời báo giới, ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị Chính phủ thực hiện cuộc “cách mạng tiền lương” bằng cách áp dụng tỷ lệ trượt giá nhân với lương tối thiểu đã thống nhất. Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, việc này sẽ vừa làm thu nhập của người lao động theo kịp lạm phát, vừa không gây xáo trộn giá cả thị trường như cách làm hiện nay mà ông cho là “nói tăng lương, lương chưa kịp lĩnh thì giá các chợ đã tăng rồi”.
6. “Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
Câu nói của Thứ trưởng Nam tại cuộc hội thảo tháng 8/2011 đã chỉ ra sự thật rằng nhà thu nhập thấp không dành cho người thu nhập thấp. Với mức giá “trên trời” 10 – 13 triệu đồng/m2, nhiều căn nhà thu nhập thấp đang làm khó cho người trúng suất vì chính sách ngặt nghèo và không đủ tiền góp vốn. “Nếu chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà”, Thứ trưởng Nam nói, kèm theo phép tính với người thu nhập dưới 5 triệu đồng, phải nhịn ăn, nhịn mặc ròng rã… 15 năm mới đủ tiền mua nhà thu nhập thấp.
7. “Bóng đá Việt Nam bao cấp hơn mọi bao cấp” – Ông bầu Nguyễn Đức Kiên
Ông bầu Nguyễn Đức Kiên.
Biến lễ tổng kết mùa giải V-League 2011 thành nơi vạch trần những tồn tại kinh niên của bóng đá Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên – một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, lần lượt chỉ trích Ban tổ chức giải, Hội đồng trọng tài. Ông Kiên cũng là người khởi xướng thành lập VPF – Công ty bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Điều này, dẫu cần chờ thời gian kiểm chứng kết quả, được kỳ vọng là một cuộc “tái cấu trúc” nền bóng đá chuyên nghiệp nước nhà vốn đã được xã hội hóa nhiều năm nhưng vẫn chưa có đột phá về chất lượng và tính chuyên nghiệp.
8. “Nghe chửi là cách tốt nhất có thể làm lúc này” – Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú.
Cũng tại cuộc hội thảo về quản lý xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã xin phát biểu vì “không kìm nén được nữa”. Trong bài phát biểu của mình, ông Tú phê phán Bộ Tài chính trong cách điều hành giá xăng dầu: "Chúng ta đang điều hành giá xăng theo kiểu “sống chết mặc bay”, dùng tay chân thay cho cái đầu vì vậy mà lãnh đạo cấp cao chửi, báo chí chửi, làm đúng cũng bị chửi và dân thì coi như tội đồ… Dân chửi cố mà nghe, vợ tôi chửi, anh em họ hàng nhà tôi chửi, tôi cũng phải chịu. Đây là cách tốt nhất có thể làm lúc này". Đến nay, Bộ Tài chính đã công khai kết quả kiểm tra nhiều DN xăng dầu, chưa rõ số lượng người “chửi” cách điều hành này tăng hay giảm, nhưng câu chuyện minh bạch hóa xăng dầu vẫn cần nhiều động thái cứng rắn, quyết liệt.