>> Đã sẵn sàng sáp nhập ngân hàng yếu?
>> "Chính phủ không để ngân hàng nào phá sản"
Thông tin về thương vụ hợp nhất đầu tiên trong xu hướng mua bán, sáp nhập để tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam này chưa được công bố chi tiết, nhưng tin cho biết Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ là đầu mối đại diện phần vốn nhà nước để hợp nhất các ngân hàng nói trên.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói thêm, đây là các ngân hàng hoạt động chưa tốt trong thời gian qua, hiện đang khó khăn về thanh khoản và mất khả năng thanh toán tạm thời cho đến trước khi được nhà nước hỗ trợ. Ba ngân hàng này đã tự nguyện hợp nhất để phát huy lợi thế và tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Đại diện BIDV và các ngân hàng nói trên sẽ thương lượng cụ thể về các nội dung của thương vụ hợp nhất này, trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước (do BIDV đại diện) và tỷ lệ vốn của các cổ đông. Cuộc họp hiện đang diễn ra, dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM.
Trước đó, sau khi BIDV đứng ra hỗ trợ hạn mức tín dụng lên tới 5.000 tỷ đồng cho Ficombank vào tháng 11/2011, đã có nhiều thông tin chưa chính thức đưa ra một danh sách các ngân hàng hoạt động thiếu hiệu quả.
NHNN, mặc dù từ chối tiết lộ danh tính các ngân hàng này, khẳng định việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sáp nhập các ngân hàng khó khăn sẽ không gây đổ vỡ hệ thống tài chính và không để ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 11 mới đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng tái khẳng định việc nhà nước sẽ đứng ra mua lại một số ngân hàng hoạt động không hiệu quả, và đảm bảo lợi ích của người gửi tiền.
Các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank, ADB… trong thời gian qua cũng nhiều lần khuyến cáo Việt Nam nên đẩy nhanh tiến độ mua bán, sáp nhập các ngân hàng để nâng cao năng lực hệ thống tài chính.