>> Kịch bản kìm lạm phát dưới 10% cho năm 2012
>> Hai kịch bản kinh tế năm 2012
Khái quát tình hình điều hành kinh tế năm 2011 đến thời điểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nhờ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường nên từ tháng 5, giá tiêu dùng đã giảm dần. 9 tháng qua, CPI tăng 16,63%, ước cả năm sẽ giữ được mức tăng khoảng 18%.
Việc điều hành chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách sắp hoàn thành, miễn giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân đã đem lại những kết quả tích cực. Bội chi ngân sách cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP, vượt mức kế hoạch đề ra 5,3%. Thu ngân sách tăng, đáp dứng nhu cầu chi và dành một phần để trả nợ.
Trong khó khăn, sản xuất kinh doanh được duy trì, tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát. Nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thấp hơn chỉ tiêu 18% Quốc hội giao.
Bên cạnh những thành quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra nhiều yếu kém bất cập trong công tác điều hành của Chính phủ. Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra cho năm 2011 chưa hoàn thành. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản khó khăn, dự trữ ngoại hối thấp dẫn tới áp lực đối với tỉ giá lớn, thị trường chứng khoán, bất động sản giảm sút…
Đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp… còn nhiều khó khăn. Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi. Ùn tắc và tai nạn giao thông còn nghiêm trọng, số người chết và bị thương tăng so với cùng kỳ năm trước, đình công xảy ra ở nhiều nơi, tội phạm và tệ nạn xã hội chưa giàm.
Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động nặng nềm phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, do những hạn chế yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, nhất là quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính tiền tệ, trong quản lý đầu tư công, quản lý DNNN, quản lý tài nguyên…
Mục tiêu tổng quát Chính phủ đề xuất cho năm 2012 vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân.
Chỉ tiêu lạm phát năm 2012 được cam kết hạ xuống dưới 10%, các năm sau sẽ thấp hơn, đến năm 2015 khống chế lạm phát khoảng 5-7%.
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 khoảng 6-6,5%. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức 6,5%.
Trong giai đoạn 5 năm 2011 – 2015, GDP bình quân tăng khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7%.
Các chỉ tiêu về bội chi ngân sách và nợ công, năm 2012 giảm bội chi xuống mức 4,8%, các năm sau giảm dần để đến 2015 giảm xuống còn 4,5%. Đến 2015, nợ công khoảng 60-65% GDP.
Về các chỉ tiêu xã hội, môi trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định kiên định chủ trương phát triển bền vững, phấn đấu đạt các chỉ tiêu như Đại hội Đảng XI đã đề ra. Căn cứ tình hình thực tế, hàng năm Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định phương án tăng trưởng và các chỉ tiêu tương ứng.
“Chúng ta đang phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ còn lại của năm 2011 – năm phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nặng nề. Bước sang năm 2012, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị phải đồng tâm hiệp lực với quyết tâm, tinh thần đổi mới và năng lực sáng tạo cao nhất. Các cấp các ngành các đơn vị phải khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngay sau khi Quốc hội thông qua” – Thủ tướng kết lại phần báo cáo của mình.